Ý nghĩa học thuyết Thuyết_ba_đại_diện

Trung Quốc vẫn còn nằm trong số nước đang phát triển, công nhân công nghiệp vẫn chiếm số đông. Tuy nhiên, thế giới đã bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, lao động "cổ xanh" (giai cấp công nhân thời tư bản sơ khai mà Marx đã quan sát) chỉ còn từ 5 đến 10 % không còn là lực lượng sản xuất tiên tiến nữa mà phải nhường vai trò này cho những người lao động có trình độ kỹ thuật cao. Nhân loại đang bước vào nền kinh tế tri thức với những "lao động bác học ".

Thuyết Ba đại diện cung cấp lý luận bỏ qua quan điểm cũ "Đảng cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, giai cấp có sứ mạng lịch sử đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, thiết lập nền chuyên chính vô sản". Đây là bước phát triển lý luận, giải quyết nhận thức mới về Đảng cầm quyền của nước Trung Hoa hiện đại hóa: Trí thức và doanh nhân có vai trò là lực lượng sản xuất tiên tiến, kinh tế tư nhân đóng vai chủ đạo và nền kinh tế được chi phối bởi cơ chế thị trường. Đảng Cộng sản Trung Quốc phải là Đảng đại diện lực lượng sản xuất tiên tiến.

Trước thời kỳ cải cách mở cửa, "nền văn hóa mới" do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo theo tư tưởng Mao Trạch Đông (Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới viết năm 1943), thể hiện đầy đủ nhất trong cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản. Đó là nền văn hóa lấy chính trị làm thống soái, hoàn toàn phụ thuộc vào chính trị, loại bỏ văn hóa truyền thống và triệt để ngăn chặn ảnh hưởng của các nền văn hóa hiện đại có giá trị nhân văn và dân chủ của nhân loại tiến bộ. Cách mạng văn hóa vô sản lấy đấu tranh giai cấp liên tục làm lý tưởng sống, nội dung tạo dựng xã hội và sáng tạo văn học nghệ thuật. Kết quả là một xã hội đại loạn, một nền văn học minh họa thô thiển.

Nay Quốc hội Trung Quốc thông qua sửa đổi Hiến pháp có 3 điểm lớn là: Bảo vệ quyền sở hữu tư nhân; Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền; và cụ thể hóa lý thuyết Ba đại diện của Đảng cộng sản, trong đó có đại diện nền văn hóa tiên tiến.

Trả lời phỏng vấn của The Sciense Monitor tháng 4 năm 2004, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng giám đốc Invest Consult Group đã có lý khi cho rằng, Giang Trạch Dân "dùng thuật ngữ nền văn hóa tiên tiến để tránh đụng chạm trực tiếp đến chính trị". Và "Đảng cộng sản Trung Quốc thể hiện sự tiên tiến về chính trị do đó mới có hệ quả là thừa nhận quyền con người và hệ quả thứ hai là thừa nhận quyền sở hữu tư nhân các tài sản".

Đúng vậy, nền văn hóa tiên tiến phải là nền văn hóa giải phóng cá nhân, đầy ý thức công dân, tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại, tất nhiên phải tương ứng với một thể chế chính trị tiên tiến, thực sự tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền.

Đảng cộng sản Trung Quốc "đại diện cho lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc" tức là bỏ qua khái niệm đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mao và hướng tới chủ nghĩa dân tộc và quốc gia Trung Quốc. Mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội Trung Quốc từ nay có thể yên tâm rằng Đảng cộng sản là trung tâm đoàn kết, là chỗ dựa về vật chất và tinh thần của họ.

Thuyết Ba đại diện là một tổng thể có giá trị kim chỉ nam hành động của Đảng cộng sản Trung Quốc, ung cấp phương pháp luận cho công tác xây dựng Đảng, đáp ứng yêu cầu một Đảng lãnh đạo dân tộc ở thời kỳ hiện đại hóa đất nước, trong thế giới hậu công nghiệp.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng AFP,Phó Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (2002) nói về quan điểm của Chủ tịch Giang về cải cách kinh tế, trong đó có việc kết nạp giới doanh nhân vào Đảng, đã "tổng kết những kinh nghiệm lịch sử của Đảng, chung đúc trí tuệ của Đảng, tuân thủ những nguyên tắc của chủ nghĩa Marx và phản ánh tình hình mới ở Trung Quốc cũng như trên thế giới,"[1]

Ngày 10-10-2009, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 11, đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nói rằng: "Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng, ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ". Tham khảo thuyết Ba đại diện của Đảng cộng sản Trung Quốc có lẽ sẽ gợi cho chúng ta nhiều điều để hoạch định "bản thiết kế" xây dựng Đảng thích hợp cho dân tộc ta trong nhiệm kỳ Đại hội 11 này?